Bệnh có thể gây thành dịch và một người có thể bị viêm kết mạc nhiều lần, do đó cần giữ vệ sinh tốt để kiểm soát tránh nhiễm bệnh cho mình và lây cho người xung quanh.
Viêm kết mạc xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Dịch thường xuất hiện vào tháng 6 - 7, hoặc chậm hơn tới đầu tháng 9 do thời tiết ẩm thấp, thuận lợi cho sự phát triển và lây lan của virus.
Mùa mưa là thời điểm dịch đau mắt có nguy cơ bùng phát mạnh và lây lan nhanh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch. Vào thời điểm giao mùa, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết, dễ mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu nên virus tấn công dễ dàng hơn.
Cách nhận biết
Bệnh viêm kết mạc cấp được biểu hiện bằng mắt đỏ, cộm như có cát trong mắt và có dử ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó có thể lan qua mắt thứ hai. Buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt. Dử mắt có thể màu trong hoặc vàng tùy tác nhân gây bệnh. Hai mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ do cương tụ mạch máu. Một số ít trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng, bám vào mặt kết mạc của mi, thấy khi lật mi) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Giả mạc xuất hiện thường gây ra các tổn thương trên giác mạc (trợt, viêm biểu mô giác mạc) làm cho mắt đau nhức, nhìn mờ, sợ ánh sáng, có thể gây giảm thị lực sau này. Trong trường hợp chưa có biến chứng trên giác mạc, bệnh nhân vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không suy giảm.
Một số loại virus gây đau mắt đỏ.
Một số người bệnh còn có biểu hiện toàn thân mệt mỏi, sốt nhẹ, viêm mũi - họng, nổi hạch trước tai, họng đau mỗi khi nuốt nước bọt.
Cần điều trị đúng
Khi bị đau mắt đỏ người bệnh phải đi khám tại cơ sở chuyên khoa mắt, không nên tự ý mua thuốc tra nhỏ mắt có corticoid vì sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% hay nước mắt nhân tạo để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và dử mắt, làm dịu đôi mắt đang cộm rát, khó chịu.
Nếu viêm kết mạc do vi khuẩn, dùng các thuốc rửa mắt như nước muối 0,9%, sau đó tra dung dịch kháng sinh.
Nếu viêm kết mạc do virus, không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc chữa trị chủ yếu là chăm sóc, giữ vệ sinh có tác dụng hỗ trợ giúp bệnh nhân nhanh khỏi, giảm triệu chứng, kháng sinh tra mắt nhằm mục đích phòng bội nhiễm.
Trong trường hợp viêm kết mạc có giả mạc phải bóc giả mạc trước khi tra thuốc để thuốc ngấm tốt hơn và giảm thiểu biến chứng do giả mạc gây nên.
Người bệnh cần được nghỉ ngơi, điều trị cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc nhãn khoa. Nếu bệnh không thuyên giảm sau 5-7 ngày phải đến khám lại. Trẻ bị bệnh nên được ở nhà, không đưa đến nhà trẻ trường học hoặc nơi đông người trong thời gian bị bệnh.
Các biện pháp phòng bệnh
Không dụi mắt bằng tay; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước và sau khi tra thuốc và vệ sinh mắt; giặt khăn mặt bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng; giặt ga giường, vỏ gối, khăn tắm thường xuyên; tránh dùng chung các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa; không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn. Nếu bị đau mắt (thông thường sẽ bị một bên mắt trước), cần chăm sóc cẩn thận, tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Tránh nằm nghiêng sang bên lành, nhỏ mắt rồi lau ngay gỉ và nước mắt chảy ra không để chảy sang mắt lành.Cần tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, hoa quả, vitamin và khoáng chất tăng sức đề kháng để nhanh lành bệnh hơn.
TS.BS . Nguyễn Thị Thu Thủy